Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, Đà Nẵng

slideimage

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Datetime

 

Tin tức

Chi tiết
Xác minh tình tiết mới theo thủ tục tái thẩm vụ án hình sự
Người đăng tin: Phong Vũ Lê Ngày đăng tin: 17/02/2023 Lượt xem: 176

Tái thẩm là một thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự, xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó. Để xác định thế nào là tình tiết mới làm căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm thì công tác xác minh của Viện kiểm sát có thẩm quyền đóng vai trò đặc biệt quan trọng.


1. Quy định của pháp luật trong công tác xác minh tình tiết mới theo thủ tục tái thẩm vụ án hình sự

        - Về thẩm quyền

        Theo quy định tại Điều 400 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (gọi tắ là BLTTHS năm 2015) thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo thẩm quyền. So với thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm vụ án hình sự, BLTTHS năm 2015 quy định cả Tòa án và Viện kiểm sát đều có quyền kháng nghị, thì đối với thủ tục tái thẩm, BLTTHS năm 2015 quy định chỉ có Viện kiểm sát mới có quyền kháng nghị trong giai đoạn này. Trường hợp Tòa án nhận được thông báo hoặc tự mình phát hiện tình tiết mới của vụ án thì phải thông báo ngay bằng văn bản kèm theo các tài liệu liên quan cho Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm.

        Bên cạnh việc tự mình xác minh tình tiết mới thì khi xét thấy cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm yêu cầu Cơ quan điều tra (CQĐT) có thẩm quyền xác minh tình tiết mới của vụ án và chuyển kết quả xác minh cho Viện kiểm sát. Khi tiến hành xác minh tình tiết mới của vụ án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra có quyền áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng theo quy định của BLTTHS năm 2015.

        Quy định trên về thẩm quyền xác minh tình tiết mới trong giai đoạn tái thẩm thể hiện tính chất quan trọng trong công tác xác minh các tình tiết mới. Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì Viện kiểm sát là cơ quan có đầy đủ quyền năng pháp lý và thực hiện có hiệu quả nhất trong công tác này.

        Khi trực tiếp xác minh tình tiết mới, Viện kiểm sát có thẩm quyền cần chủ động xây dựng kế hoạch xác minh, phối hợp với Viện kiểm sát các cấp trong công tác chuẩn bị địa điểm, phương tiện phục vụ công tác. Kiểm sát viên cần làm tốt công tác phối hợp với ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, cơ quan Công an. Trong một số trường hợp, khi cần thiết yêu cầu CQĐT có thẩm quyền xác minh thì Viện kiểm sát cần chủ động đề ra yêu cầu xác minh đầy đủ, rõ ràng và kịp thời giúp công tác xác minh đạt hiệu quả.

        - Về căn cứ kháng nghị tái thẩm

        Điều 398 BLTTHS năm 2015 quy định bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ: (1) Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật; (2) Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án; (3) Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật; (4) Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

        Việc xác một tình tiết được xem là có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó bắt buộc phải đáp ứng một trong các căn cứ theo quy định nêu trên. Đây được xem là tiêu chuẩn để kiểm sát viên đánh giá các tài liệu, chứng cứ, tình tiết mà mình thu thập được có được xem là “tình tiết mới” để làm căn cứ tham mưu, đề xuất kháng nghị tái thẩm được hay không.

        - Về thời hạn

        Theo Điều 401 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm sẽ không bị giới hạn nếu tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án và việc tái thẩm đó nếu là để minh oan cho người bị kết án thì dù người đó đã chết vẫn thực hiện tái thẩm.

        Trong trường hợp tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án thì việc kháng nghị chỉ được thực hiện trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 Bộ luật hình sự như sau: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng, 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

        Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Điều 352 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

        Như vậy, khi thực hiện công tác thụ lý đơn, thông báo về việc phát hiện tình tiết mới và công tác xác minh, giải quyết vụ án theo thủ tục tái thẩm thì cán bộ, Kiểm sát viên cần lưu ý đến vấn đề thời hạn theo quy định tại Điều 401 BLTTHS năm 2015 đối với 03 trường hợp là theo hướng có lợi, theo hướng bất lợi và vấn đề dân sự trong vụ án hình sự để đảm bảo thời hạn kháng nghị tái thẩm. 

2. Kỹ năng xác minh “tình tiết mới” được xem là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

        Thứ nhất,  xác minh các “tình tiết mới” quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 398 BLTTHS năm 2015.

        Nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức chứa đựng các thông tin, tư liệu tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định[1]. Theo quy định tại Điều 86 BLTTHS năm 2015 thì nguồn của chứng cứ gồm: “Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; Các tài liệu, đồ vật khác”.

        Theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 398 BLTTHS năm 2015 thì một trong các căn cứ để kháng nghị tái thẩm là có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật; Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật.

        Như vậy, các tài liệu chứng cứ nêu trong khoản 1 và khoản 3 Điều 398 BLTTHS năm 2015  cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố được sử dụng để làm căn cứ chứng minh các tình tiết của vụ án. Do đó, khi xác minh, cần phải làm rõ tính hợp pháp của các chứng cứ nêu trên, tính liên quan khi so sánh, đối chiếu phải phù hợp với các chứng cứ khác đã được thu thập hợp pháp trong vụ án, việc xác minh thu thập chứng cứ phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án. Đảm bảo 03 thuộc tính quan trọng của chứng cứ trong quá trình xác minh giúp các tài liệu, chứng cứ mà Kiểm sát viên thu thập là cơ sở vững chắc cho công tác kháng nghị tái thẩm.

        Đối với lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật mà Kiểm sát viên cho rằng có những điểm quan trọng không đúng sự thật thì cần thiết phải lấy lời khai lại, giám định, định giá và dịch thuật lại để so sánh, đối chiếu tìm ra điểm không đúng sự thật.

        Đối với các tài liệu, chứng cứ có dấu hiệu bị giả mạo thì kịp thời tiến hành giám định để xác định các chứng cứ có bị giả mạo không, xác định có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp dẫn đến việc thu thập chứng cứ không đúng sự thật khách quan của vụ án, kịp thời chuyển các thông tin này cho CQĐT VKSND tối cao để điều tra, làm rõ.

         Thứ hai, xác minh tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được tại khoản 2 Điều 398 BLTTHS 2015.

Trên thực tiễn, khi tiến hành kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì căn cứ tại khoản 2 Điều 398 BLTTHS năm 2015 được áp dụng nhiều nhất. Tình tiết mới này phải là tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do “không biết được” mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

Căn cứ kháng nghị này rất dễ bị nhầm lẫn với căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm quy định tại Điều 371 BLTTHS năm 2015: “Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án”, “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”, “Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”.

Cần phải xem xét việc “không biết được” của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm là do yếu tố khách quan hay do thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện đúng và đầy đủ các biện pháp tố tụng dẫn đến việc không biết.

        Trên thực tiễn, đối với trường hợp bị cáo xin hoãn phiên tòa để chữa bệnh, do có đủ điều kiện nên Tòa án cấp sơ thẩm vẫn đưa ra xét xử vắng mặt bị cáo. Trong quá trình chữa bệnh, bị cáo chết trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, Tòa án cấp sơ thẩm không thể biết được thông tin là bị cáo đã chết tại bệnh viện nên vẫn tiến hành xét xử  đối với bị cáo. Việc bị cáo chết ngay trước khi phiên tòa sơ thẩm xử vắng mặt bị cáo diễn ra như trên được xem là căn cứ để kháng nghị tái thẩm[2]. Đối với trường hợp yêu cầu tra cứu tàng thư, xác minh nhân thân bị can, bị cáo để xác định chính xác người phạm tội nhưng CQĐT không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ dẫn đến việc xác định không đúng nhân thân người phạm tội thì phải xem đây là trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo điểm o khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm[3].

        Thứ ba,  xác minh những tình tiết khác tại khoản 4 Điều 398 BLTTHS năm 2015

        Những tình tiết khác mà tình tiết đó làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án, là những tình tiết không liên quan đến ba nhóm tình tiết nêu trên theo khoản 1, 2, 3 Điều 398 BLTTHS năm 2015. Đây là quy định dự liệu để các cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ kháng nghị tái thẩm. Trên thực tế, những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án thường rất phong phú và đa dạng có thể phụ thuộc vào nhận định của Kiểm sát viên khi tiến hành xác minh.

        Tuy nhiên, khi xác minh các tình tiết này, cần phải xác định chỉ được coi là căn cứ kháng nghị tái thẩm khi có đủ điều kiện, đó là phải đảm bảo đó là tình tiết mới mà Tòa án không biết khi ra bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và những tình tiết này làm thay đổi cơ bản nội dung bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo Điều 397 BLTTHS năm 2015. Nếu sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mới xuất hiện tình tiết mới nhưng không làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định đó thì tình tiết này không phải là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm./.

Tạp chí Kiểm sát số 01 năm 2023 (Phát hành ngày 05/01/2023).

KSVCC - Đoàn Minh Lộc 

KTV - Nguyễn Trọng Tư

 

[1] Trường Đại học Luật Hà Nội (2011): Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.166.

[2] Quyết định tái thẩm số 19 /2021/HS-TT ngày 09/4/2021 của TAND cấp cao tại Hà Nội.

[3] Các Quyết định giám đốc thẩm số 49, 50, 51/2019/HS-GĐT ngày 22/11/2019 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Tin tức

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Viện kiểm sát cấp cao, lịch tiếp dân

Viện kiểm sát cấp cao

Viện kiểm sát cấp cao

Viện kiểm sát cấp cao

Viện kiểm sát cấp cao

Viện kiểm sát cấp cao

Viện kiểm sát cấp cao

THƯ VIỆN ẢNH

Thư viện video

Quản lý Video

Danh sách kiểu

Quản lý nội dung HTML

Kiểm sát

Bảo vệ pháp luật

csdl quốc gia

Quản lý nội dung HTML

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Ông Phan Văn Tâm - Chức vụ: Phó Viện trưởng 

Trụ sở: số 04 Lý Tự Trọng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0236.3.818.113 - Fax: 0236.3.889.891

Đăng nhập

Visitor

0 8 7 9 9
Hôm nay: 258
Hôm qua: 423

Quản lý nội dung HTML

Chung nhan Tin Nhiem Mang